Thành Đồng Hới ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, từ thời Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đi chinh phạt giặc Chiêm Thành (thế kỷ XI), Trần Duệ Tôn (thế kỷ XIV) Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) đi kinh lý phương Nam. Mảnh đất bi hùng này còn chứng kiến cuộc hành quân thần tốc của người anh hùng Nguyễn Huệ, hai lần ra Bắc chinh phạt lũ bán nước và cướp nước. Đến thế kỷ XVII trên mảnh đất thành Đồng Hới là vùng ’’phên dậu’’ tranh chấp đất đai. và quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn suốt 45 năm (1627 -1672) gây nên cảnh “nồi da xáo thịt’’, “huynh đệ tương tàn”.
Thành Đồng Hới thể hiện lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm chống thù trong giặc ngoài của người dân Quảng Bình.
Năm 1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới nhưng nhân dân và binh sĩ vùng Động Hải đã đánh trả quyết liệt, cuối cùng thực dân Pháp phải rút lui. Do sự hèn nhát của bọn vua, quan Triều Nguyễn, ngày 19-7-1885 thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới lần thứ hai và chúng đã chiếm được thành dễ dàng. Trong phong trào “Cần vương” nhân dân Đồng Hới tham gia nghĩa quân của Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy, đã ba lần đột nhập thành Đồng Hới (tháng 1, tháng 6 và tháng 8 năm 1886) tấn công binh lính Pháp trong thành gây cho chúng nhiều tổn thất.
Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954) quân và dân thị xã nhiều lần tập kích quân Pháp ở trong thành gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngày 18-8-1954, tên Pháp cuối cùng rời khỏi thành rút xuống tàu há miệng về nước.
Ngày 16-6-1957, vinh dự cho quân và dân Quảng Bình được đón Bác Hồ kính yêu vào thăm và nói chuyện. Thành Đồng Hới rợp cờ hoa và biển người đón Bác.
Thành Đồng Hới từ khi xây dựng cho đến nay luôn là trụ sở của cơ quan đầu não (của ta và của địch) và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng, một phủ và của tỉnh Quảng Bình.
Thành hiện này còn một nửa. Đoạn thành phía Đông, 3 cổng và hai cầu Nam – Bắc đã bị sập hoàn toàn do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cầu phía Đông còn nhưng không nguyên dạng như ban đầu. Thành còn 1.087m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế. Đoạn thành phía Nam còn lại 2/3 tương đối nguyên vẹn.
Ngày nay, mỗi bước phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh nhà đều ghi thêm một trang sử mới cho di tích thành Đồng Hới. Nhiều công trình mới mọc lên nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của thành Đồng Hới mà trái lại càng tô điểm thêm cho toà thành cổ soi bóng bên dòng sông Nhật Lệ.
Không có bình luận