Dương Văn An, tự Tỉnh Phú, người làng Tuy Lộc, bây giờ thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là một làng nằm bên bờ phải sông Kiến Giang, giữa một vùng đồng quê trù phú từ lâu đời, trung tâm của huyện Lệ Thủy.

duongvanan

Về gia đình và tuổi trẻ Dương Văn An, hiện chúng ta chưa có tư liệu đầy đủ. Đọc bài tựa Ô Châu Cận Lục chỉ thấy ông tóm lược mấy câu: ”Tôi là học trò, sinh trưởng ở đất này, thấm nhuần giáo hóa đã lâu, thi đậu tiến sĩ năm Đinh Mùi”. Năm Đinh Mùi là năm 1547, đó là năm Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyễn mới lên ngôi nên mặc dù triều đình có biến động vẫn cố gắng theo lệ cũ mở các khoa thi hương và thi hội để trấn tĩnh lòng dân và chọn người ra giúp đỡ. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi rõ ông đỗ tiến sĩ vào năm 30 tuổi. Căn cứ vào tài liệu này, chúng ta có thể tính ra năm sinh của ông là 1514, tức là năm Giáp Tuất, đời vua Lê Tương Dực.

Qua những lời tự thuật ngắn ngủi trên, chúng ta còn biết, trước khi đi thi, ông lớn lên và theo đường nho học tại quê nhà. Vùng này, lúc bấy giờ là một vùng dân rất hiếu học và nhiều người đỗ đạt khá. Nhưng đến ông mới có người đỗ đại khoa. Xem Đăng Khoa Lục thấy ông là người Quảng Bình thứ hai đỗ tiến sĩ. Việc ông đỗ đạt như vậy không phải là việc bình thường trên một vùng đất lúc đó còn xa trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước.

Sau ngày thi đỗ, Dương Văn An được triều đình Mạc bổ đi làm quan. Theo quan chế thời ấy, những người đỗ đại khoa đều được bổ dụng làm tri huyện hoặc viên ngoại lang. Từ chức vị này sẽ thăng lên phó rồi hiến sát sứ lên đô cấp sự trung. Năm Ất Mão (1555), khi viết bài tựa sách Ô Châu Cận Lục, ông đã được giữ chức Lại Khoa đô cấp sự trung, tước Sùng Nham Bá. Chỉ trong 8 năm mà lên được chức ấy, rõ ràng là ông đã không gặp trắc trở gì trên đường hoạn nghiệp.

Cũng theo Đăng Khoa Lục, từ chức đô cấp sự trung, ông được thăng dần lên đến chức Tả Thị Lang bộ lại. Chức quan lớn nhất của ông là Thượng thư (không rõ là bộ nào). Lúc làm Thượng thư, ông được phong lên tước Sùng Nham Hầu. Khi mất, -không rõ mất tại chức hay sau ngày về trí sĩ- ông còn được triều đình truy phong Tuấn Quận Công. Ông giữ chức quan nói trên và mất vào năm nào, hiện chưa thấy có tài liệu nào nói rõ. Năm 1553, trong lúc đang giữ chức Lại Khoa Đô Cấp Sự Trung thì ở quê nhà, không rõ cha hay mẹ mất, ông phải từ Đông Kinh về chịu tang và theo lệ gọi là đình gian, ở nhà cho đến khi hết khó. Lúc này ông được rảnh rỗi xem sách. Nhân có hai người học trò cùng làng chia nhau viết hai tập sách về hai phủ Triệu Phong và Tân Bình và đưa ông xem, ông thấy bên trong ”hình trạng các sông núi, tên gọi các sản vật, phong tục thói quen thế nào, nhân vật hay dở ra sao, đều rõ ràng như trên bàn tay” và rất lấy làm mừng. Nhưng có điều ông không nói ra mà chúng ta có thể ngầm hiểu, là hai tập sách, do trình độ của hai người học trò còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ông nảy ra ý định nâng cao thành một quyển địa lý lịch sử đầy đủ và sâu sắc hơn. Ý định ấy, với một người yêu làng yêu nước như ông, quả là không thể cưỡng lại nổi. Ông bèn bỏ thì giờ ”khảo thêm các sách sử, tham chước những truyền miệng, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, đặt tên là Ô Châu Cận Lục. Hai chữ cận lục nói rõ ý đồ khiêm tốn của ông muốn giới hạn nội dung từ cuối đời Trần trở lại, chưa dám đi xa hơn vào lịch sử.

Qua sự việc trên đây, rõ ràng quyển sách về cơ bản, là dựa vào hai tập của hai người học trò Tuy Lộc. Vậy thì phần gia công của ông đến đâu? Đọc xong, chúng ta có thể nghĩ rằng, phần tư liệu về núi, sông, thành thị, đền chùa, quan chế, nhân vật, phong tục, đồ bản, chính là phần ông thêm bớt, còn phần luận thì hoàn toàn do chính ông viết. Tuy vậy, không thể không nhận thấy rằng, giữa Ô Châu Cận Lục và hai tập sách về Tân Bình, Triệu Phong nói trên đã có những khác biệt lớn: khác biệt về quan điểm địa lý, nhân văn, bỏ cách chia hai phủ riêng mà nhập lại thành một vùng thống nhất về ranh giới, thuần nhất về phong tục, tập quán sinh sống, đồng nhất về văn hóa, lịch sử, khác biệt về mục đích, sách viết ra không chỉ nhằm cung cấp tư liệu mà chủ yếu là để phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục thói hư tật xấu trong nhân dân, hay nói như tác giả, để ”để khuyến khích và răn ngừa” (bao biếm). Những khác biệt này, cùng với những khác biệt do phần sau bổ sung của ông đưa lại, đã khiến bóng dáng hai tập sách cũ mất hẳn đi, đến nổi, dù Dương Văn An đã nói rõ, các tác giả lớn đời sau như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đứng trên lập trường của Lê, Nguyễn không thích gì triều Mạc, vẫn phải xem Ô Châu Cận Lục là tác phẩm hoàn toàn của ông, của riêng ông.

Qua Ô Châu Cận Lục, người đọc, dù hiện nay cũng vậy, không phải chỉ ”thấy” như Dương Văn An đã ”thấy” trong hai tập sách về Tân Bình và Triệu Phong mà cảm xúc, cảm nhận sâu sắc về đất nước tươi đẹp, giàu có, thiêng liêng, về nhân dân cần cù dũng cảm, về cha ông có tinh thần hiếu học, có chí khí anh dũng, có đạo đức cao cả, từ đó thấy mình thêm gắn bó với quê hương đất nước. Viết về địa lý lịch sử mà truyền cảm được như vậy, bởi vì, trước hết, Dương Văn An đã có một trái tim nối liền với từng con sông ngọn núi, từng hòn đất bờ cây của nơi chôn rau cắt rốn và đã nhập lòng mình vào mọi sự vật, thổi cho nó một cuộc sống, một linh hồn.

Là một cuốn sách địa lý, Ô Châu Cận Lục ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, những sản vật, những con chim con thú, những thành thị, chợ búa, nhà trạm đồn binh, danh lam thắng tích, những ngành nghề và tập quán sinh sống… Nhờ thế, chúng ta biết được đất đai, thổ nhưỡng cùng các nghề thủ công thời ấy, hiểu được quá trình khai cơ lập nghiệp của cha ông trên đất quê hương. Là một cuốn sách lịch sử, Ô Châu Cận Lục ghi lại cho chúng ta tên tuổi của bao nhiêu người con Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã làm rạng rỡ đất nước, đã biến dải đất xa xôi một thời này thành trù mật, phì nhiêu, kể lại cho chúng ta những truyền thuyết xa xưa về các vùng đất, các đền chùa, các thành quách, khiến lịch sử thêm sâu thẳm, thêm vang vọng và kết hợp vào cuộc sống, những truyện cổ dân gian nuôi dưỡng mãi điều ngay lẽ phải trong lòng người…

Những ngọn núi cao, những con sông rộng đã được Dương Văn An miêu tả bằng những dòng chữ đầy hình ảnh, đầy sức khêu gợi như tả bằng chính tâm hồn của mình và của nhân dân. Đây là ngọn núi Mã Yên ở huyện Lệ Thủy “Thế núi cao lớn, hình trạng quanh co, chỗ đứt chỗ liền, nơi nghiêng nơi đứng, trong xa tựa cái yên ngựa; có trái núi như con ngựa phi nhanh, muôn nghìn trạng thái, trăm vạn tinh thần, là ngọn núi chót vót giữa nghìn muôn núi”. Những câu viết vừa mang tính cách địa lý, vừa là những nét vẽ sống động của một bức tranh. Núi không đứng lặng, núi là ngựa đi, ngựa chạy, như hành quân cùng dân tộc. Khi ông tả núi Hải Vân, chúng ta lại bắt gặp một chất thơ tràn trề: “Chân sát lợi biển, ngọn ngất từng mây, núi chia hai đường nam bắc, mây mưa đón khách đi về…”. Tả rất gọn mà đầy đủ, không thể lầm với một ngọn núi nào khác, “Mây mưa đón khách đi về”, thật là gần gũi, ấm áp, thần tình. Núi thì thế, còn trên sông, một bến đò Dã Độ cũng gợi lên trong cảnh trời nước mênh mang một cái gì rất quen thuộc: “Hai nguồn Viên Kiều và Cảo Giang rót đến vừa rộng vừa sâu, hai bờ cao thấp so le, vài bãi nông sâu, rộng hẹp; cỏ thơm như nệm trải, sóng gợn tựa sóng giăng, cánh diều phản chiếu bóng chiều soi, con đò quay ngang cơn gió thổi…”

Có lúc, ông có những tứ thơ rất sáng tạo. Chẳng hạn, khi tả vùng cát Đại Trường Sa: “Đất Trường Sa hóa nhà trạm, trời địa hải làm lọng che”. Hình ảnh hóa bầu trời trên vùng cát mênh mông thành chiếc lọng thì thật là vừa đẹp, vừa sâu, vừa mới một cách bất ngờ. Bút pháp địa lí mà đạt đến tính văn học như vậy rất hiếm thấy.

Ông biểu dương những con người Ô Châu kiên quyết chống giặc Minh xâm lược: “Ôi xem cái mức hơn kém của nhân vật, quan hệ đến cơ an nguy của nước nhà, như cái đức trọng nghĩa của Đặng Tất, thật là nhân tài của cả nước chứ đâu phải nhân tài riêng của Ô Châu?”. Với Đặng Dung, những lời nhận định của ông cũng xác đáng như vậy: “Lấy toán quân cô đơn mà phá giặc mạnh giữa thời buổi nguy vong, tức là Trương Thế Kiệt đối với Đế Bính nhà Tống vậy ! Có thể theo thường lệ mà nghị luận nhân tài ư?”. Điều không thể không ghi nhớ là, trong khi biểu dương, ông đã để lại cho chúng ta tên tuổi nhiều nhân vật của quê hương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tưởng như đã chìm mất trong xa xưa của quá khứ. Không có ông và Ô Châu Cận Lục, làm sao chúng ta có thể hiểu được cha ông ta với sự nghiệp cứu nước hiển hách như của Hà Công (ở La Chữ, huyện Hương Trà), Nguyễn Tử Hoan (ở Quảng Trạch), của Phạm Thượng Tướng (ở Đại Phong), Nguyễn Danh Cả (ở Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy) v.v… những tâm hồn trong sạch như tri huyện họ Lê (ở Cam Lộ), lấy “kinh luân để dạ là bao của” để xem cảnh “thanh bạch truyền gia (của mình là) chẳng phải nghèo”, hay như Nguyễn Quận (ở Hải Lăng) đi đánh giặc, không lấy của cải mà chỉ đem về một lá cờ chiến thắng. Đúng là nếu không có những trang ghi chép ấy, lịch sử Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên chúng ta đã phải có nhiều trang để trống.

Dưới ngọn bút của Dương Văn An, đất nước quê hương hiện lên giữa tâm hồn ta, ngọt ngào, nóng hổi và thiêng liêng biết bao, bóng hình con người Thuận Hóa đứng lên trong ta, dễ yêu và dũng cảm biết bao; thực sự là ngọn bút có tài, lại được dẫn dắt với một trái tim yêu nước, yêu quê hương tha thiết. Cho nên, nếu Ô Châu Cận Lục được xem như một tác phẩm địa phương chí có giá trị thì thành công ấy trước hết là của dòng máu đỏ trong huyết quản, trong tâm hồn ông. Điều này không thể gì phủ nhận.

Tuy còn nhiều hạn chế vẫn không làm lu mờ cái điểm hồng, là tình yêu cùng với niềm tự hào về đất nước và nhân dân quê hương, cháy rực trong từng trang Ô Châu Cận Lục. Tấm lòng ấy, tự nó là ánh sáng, là linh hồn quyển sách. Với một tác phẩm duy nhất, sự đóng góp của Dương Văn An vào kho tàng văn hóa chung của quê hương của đất nước chưa phải là lớn. Nhưng, với chúng ta, Ô Châu Cận Lục là quyển sách đầu tiên viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và ông là tác giả đầu tiên của địa phương. Mọi sự mở đầu bao giờ cũng đáng hoan nghênh và ghi nhớ. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng trước ông và Ô Châu Cận Lục, chúng ta chỉ có một bài ”Thuật hoài” của Đặng Dung, một bài biện của Bùi Dục Tài, mấy bài thơ của các nhân vật mà ông đã ghi lại và dù kể cả người các nơi viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông… thì tất cả vẫn còn là một con số quá khiêm tốn. Hơn thế, sau ông, cũng phải đến hơn 100 năm chúng ta mới có được một tác phẩm và một tác giả thứ hai: “Hoa vân cảo thị” của Nguyễn Hữu Dật, khiến chỗ đứng và quyển sách của ông sống mãi trong lịch sử văn hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Không những thế, Ô Châu Cận Lục còn đứng vững qua sự sàng lọc của hơn 400 năm để đến với chúng ta, tự khẳng định là một tác phẩm, một tài sản có giá trị trong vốn văn hóa chung của dân tộc. Cái giá trị ấy trong quá khứ đã được thử thách hơn một lần: Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt thông sử và Phủ Biên Tạp Lục đã sử dụng Ô Châu Cận Lục. Các nhà biên soạn bộ Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều nhà Nguyễn cũng luôn luôn trích dẫn cuốn sách của Dương Văn An, xem như một nguồn tư liệu quý báu.

Thiếu quyển sách, chúng ta cảm thấy như hẫng đi một đoạn truyền thống, một chiều dài lịch sử, một mảng của tâm hồn đất nước.

Chúng ta càng biết ơn Dương Văn An và Ô Châu Cận Lục đã nối dài tầm nhìn của mình vào quá khứ của quê hương, nối liền sức mạnh của mình hôm nay vào sức sống nghìn đời của dân tộc, từ đó nhận rõ thêm trách nhiệm đang đặt ra trước mắt đối với hiện tại và tương lai của Tổ quốc.

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *