Ngoài hệ thống hang Phong Nha, Sơn Đoòng và động Thiên Đường đã quá quen thuộc, xứ sở hang động Quảng Bình, còn có hang Chà Lòi, hang động khá hoang sơ ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, mới được đưa vào phục vụ du khách từ năm 2019.
Về tên gọi khá ngộ nghĩnh của hang, anh Hoàng Tấn Việt, người hướng dẫn tour này, giải thích: Trước đây, hang Chà Lòi được người dân địa phương gọi là hang Ông Giáp, hang Đại Tướng hoặc hang Văn Công, vì vào thời chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có dịp vào hang thăm bộ đội. Trong hang có một khối thạch nhũ trông giống tượng bán thân một người, và với lòng tôn kính vị tướng tài ba, người dân huyện Lệ Thủy quê ông đã gọi tên là hang Đại Tướng. Trong hang cũng có một sân khấu dã chiến để các đội văn công biểu diễn văn nghệ nên gọi là hang Văn Công.
Còn tên gọi hang Chà Lòi xuất phát từ cách nói vui của người dân địa phương là đi hang này phải “Chà” và “Lòn” (cúi lòn). Người đồng bào Bru Vân Kiều trong vùng đọc trại thành “Chà Lòi”, lâu dần đã thành tên gọi phổ biến của hang.
Hành trình thám hiểm hang Chà Lòi bắt đầu từ điểm tập kết tại ngôi nhà của một người đồng bào Bru Vân Kiều, chị Hồ Thị Hương, ở bản Còi thuộc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy. Nơi này gần hang Chà Lòi và cách Đồng Hới, thành phố chính của tỉnh Quảng Bình, khoảng 50 km về phía Tây Nam. Cùng tham gia chuyến đi hôm đó còn có hai người nước ngoài quốc tịch Slovakia. Họ cho biết mục đích chuyến đi nhằm khảo sát hang động mới để đưa vào tour phục vụ du khách đến từ Slovakia.
Tại điểm tập kết, trước khi thực hiện chuyến thám hiểm, mọi người được đơn vị tổ chức trang bị nón bảo hộ, đèn pin cài nón, dép bộ đội và găng tay. Trang phục cá nhân khách tự chuẩn bị là quần áo vải mỏng, nhẹ, dễ khô. Để phục vụ cho đoàn 15 khách hôm đó, đơn vị tổ chức tour đã bố trí 5 người vừa đảm nhiệm vai trò hướng dẫn, vừa hỗ trợ, porter (mang vác túi chuyên dụng chống nước để đựng máy ảnh, điện thoại, ví của khách qua những đoạn sông ngầm).
Mặc dù đã được giới thiệu trước về độ khó của hang Chà Lòi trong số các hang động ở Quảng Bình chỉ là 3/6,5, nhưng chuyến khám phá hang động mới này mang lại nhiều cung bậc cảm xúc, và dĩ nhiên là không hề dễ dàng đối với những người ít kinh nghiệm chinh phục thử thách. Hơn 2 tiếng trong lòng hang động với chặng đường 3 km, người thám hiểm phải trải nghiệm ít nhất 5 động tác: luồn, lách, lòn, leo, lội. Ở những đoạn hẹp, người đi phải áp sát ngực vào đá, hai tay vừa bám vào các mấu đá, vừa “chà” ngang để tìm điểm chạm, di chuyển về phía trước.
Có một số điểm du khách không thể bỏ qua trong suốt hành trình thám hiểm, đó là hang Đại Tướng với măng đá mang hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hang Tình Yêu với những khối thạch nhũ và măng đá tạo hình trái tim, đây chính là nơi khách thường dừng lại tạo hình, chụp ảnh sống ảo. Phải công nhận quần thể măng đá, thạch nhũ và các đoạn sông ngầm trong hang rất đẹp, vẫn còn nguyên nét hoang sơ. Chặng cuối chuyến thám hiểm, “cú” bơi qua đoạn sông ngầm sâu 2,5 m ở nhiệt độ 20 độ C cảm giác thật ấn tượng, đoạn này giống như ý kinh Phật, đúc kết cả hành trình vượt qua nhiều ải mê để tới bờ giác ngộ!
Trước và sau hành trình thám hiểm, khách còn có những khám phá và trải nghiệm thú vị. Từ điểm tập kết về hướng hang Chà Lòi, khách đi ngang qua những ngôi nhà sàn ở bản Khe Sung, có dịp tìm hiểu và tận mắt chứng kiến tục thờ người sống vô cùng độc đáo của đồng bào người Bru Vân Kiều, với ý nghĩa cầu sự may mắn cho những người đang sống. Trên bàn thờ, một bên thờ người sống, một bên thờ người chết. Vật thờ là cái bát, gái lấy chồng thì rước bát “linh hồn” này sang nhà chồng. Người được thờ khi chết sẽ được chôn theo cái bát “linh hồn” của mình.
Bữa trưa tại điểm tập kết nhà chị Hương ở bản Còi, khách thành phố cảm thấy ngon miệng với những món lạ vị của người Vân Kiều như gà bản luộc, canh rau rừng, rau vườn luộc, giúp khách phục hồi sức khỏe sau hơn hai giờ thám hiểm. Sau giờ nghỉ ngơi, khách tiếp tục vào bản Còi “đá”, sở dĩ có tên như vậy vì bên một con suối nhỏ trong bản có rất nhiều đá. Đồng bào ở đây vẫn giữ nếp sống tự nhiên gắn với núi rừng, sống nhờ nương, rẫy và hoàn toàn nói “không” với điện, điện thoại. Bên con suối đá là thung lũng Tình Yêu, được bao quanh bởi những ngọn núi, quyến rũ với thảm cỏ xanh mướt, nơi tuyệt vời để du khách cắm trại, sinh hoạt lửa trại về đêm.
Hang Chà Lòi và những điểm phụ cận là một trong những gợi ý lý tưởng dành cho du khách đến với Quảng Bình vào mùa hè này. Một nữ du khách lần đầu thám hiểm hang Chà Lòi đã thốt lên: “Thật tuyệt vời! Hành trình thám hiểm hang có độ khó vừa phải, phù hợp với những người thích khám phá thiên nhiên, làm mới cảm xúc mà không cần nhiều kỹ năng hoặc yêu cầu khắt khe về sức khỏe như tour khám phá những hang động khác ở Quảng Bình”.
Theo Báo Thanh niên
Không có bình luận