Từ TP. Đồng Hới, chúng tôi lên đường hướng về Tây-Nam Quảng Bình, nơi có dãy. Trường Sơn hùng vĩ vào một sáng mùa thu. Mây trắng kéo dài thành vệt, thành hàng lưng chừng núi bên con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Cung đường Quốc lộ 9B xuyên qua Ngân Thủy đến Tăng Ký, nối vào đường Hồ Chí Minh nhánh Tây có nhiều đèo dốc, khúc khuỷu uốn lượn và những khoảng sáng mở rộng thấy rõ các bản làng rất phù hợp để “săn mây”.
Sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến bản Xà Khía thuộc xã Lâm Thủy bắt đầu tour trải nghiệm, khám phá và khai thác hình ảnh Thác Lụa-Mụ Mệ-Vườn địa đàng để phục vụ quảng bá dự án khai thác du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng và phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào Bru-Vân Kiều của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch HS và các cộng sự (theo Công văn số 1003/UBND-NCVX, ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh về việc cho phép khai thác thử nghiệm).
Căn nhà sàn bằng gỗ chắc chắn, khang trang theo lối truyền thống của người Bru-Vân Kiều của anh Hoàng Hiền là nơi dừng chân để chuẩn bị các thiết bị cho tour trải nghiệm. Tôi đã từng biết “đặc sản” nơi đây là mưa qua bài viết “Mưa Lâm Thủy” của thầy giáo Ngô Mậu Tình (Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy)-người đã gắn bó nơi biên cương này bao năm vượt mưa gió, bão lũ để bám trường, bám lớp. Mưa trắng rừng, trắng không gian nhưng không làm đoàn chúng tôi chùn bước.
Dẫn đầu hành trình là anh Hoàng Hiền (thường gọi là anh Hun) và chị Hoàng Thị Hun (người Bru-Vân Kiều). Từ bản Xà Khía khá khang trang với con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua bản, theo con đường bê tông vững chãi xuyên qua bản Bạch Đàn, chúng tôi gồm các chuyên gia du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, nhiếp ảnh gia, báo chí… đi bộ khoảng 45 phút băng rừng để đến thác Lụa, bắt đầu hai ngày khám phá, trải nghiệm.
Mưa vẫn rơi không ngừng trên lớp lớp rừng xanh tốt. Tiếng rừng lao xao theo từng bước chân, đó là tiếng mưa, tiếng suối chảy và rất nhiều tiếng chim. Sau khi xuống một con dốc trơn trượt, thác Lụa hiện ra trước mắt. Thác có độ cao khoảng hơn 20m, nước buông trắng xóa như từ thinh không. Dòng nước ngàn năm không ngừng chảy này bắt nguồn từ những dãy núi trùng điệp là biên giới của hai nước Việt-Lào. Mùa mưa nên nước càng mạnh mẽ, xối xả thả xuống hồ nước lớn xanh biếc tạo nên khung cảnh ấn tượng.
Thác trong hệ thống khe Nước Trong (Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong) nơi có hệ sinh thái đa dạng được bảo tồn nguyên vẹn. Với cấu trúc địa hình là núi đá vôi nhiều tầng, nhiều lớp có độ dốc cao, nên từ thượng nguồn về hạ lưu có rất nhiều ghềnh, thác và hồ nước tự nhiên trong lòng suối. Sông Long Đại rộng lớn bắt nguồn từ chính dòng nước này mà tạo thành. Để phát huy những tiềm năng độc đáo của thiên nhiên vùng Tây-Nam Quảng Bình, tạo nên những sản phẩm du lịch có bản sắc riêng gắn với văn hóa và đời sống của người dân, những năm gần đây, được sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các hoạt động khảo sát, khai thác hình ảnh để quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch mới luôn được chú trọng. Đó chính là những hành trình ngược suối, vượt thác mang đến những trải nghiệm mới lạ.
Đắm chìm trong không gian được bao phủ bởi các lớp thực vật chằng chịt đặc trưng của rừng nhiệt đới nguyên sinh. Vượt qua những khối đá lớn sừng sững, sắc nhọn đến những mâm đá bằng phẳng soi bóng bên suối, bơi trong dòng suối mát lạnh, trong xanh có thể nhìn thấy những viên đá cuội ở đáy. Mặc dù gặp mưa rừng tầm tã, điều kiện không thuận lợi cho quay phim, chụp hình nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của ngày thứ nhất với những khung cảnh về dòng thác trắng xóa như tấm lụa mỏng buông lơi giữa bạt ngàn xanh của rừng.
Trải nghiệm văn hóa và ẩm thực địa phương là một nội dung quan trọng trong dự án khai thác tour du lịch này. Bữa tối tại nhà sàn là các món ăn từ sản vật địa phương. Đặc biệt là các sản vật từ rừng trên cung đường trekking, chúng tôi được người dẫn đường giới thiệu rất nhiều loài cây, rau rừng có thể chế biến thành thực phẩm, trong đó chuối rừng, măng rừng nơi đây là một đặc sản có thể kết hợp để tạo nên nhiều món ăn lôi cuốn vị giác. Để chứng minh cho điều đó, trong lúc mọi người tác nghiệp, anh Hun đã kịp mang về rất nhiều búp hoa chuối và măng rừng để sẵn sàng cho bữa tối. Những món ăn được bày ra, như: Gà bản nướng, bóp hoa chuối rừng, thịt lợn bản xào măng, cá suối chiên…và một ít rượu nồng tạo nên những trải nghiệm khó quên về ẩm thực nơi đây.
Ngày tiếp theo, mưa vẫn không ngớt, con đường đi bộ xuyên qua những cánh rừng cao su và rừng nguyên sinh đến bờ suối khoảng 4km. Từ đây bắt đầu đi xuôi dòng suối để đến Vườn địa đàng thác Mụ Mệ. Hành trình này dường như chưa ai đặt chân đến (hoặc có thể đã bị xóa nhòa bởi những cơn mưa, dòng nước), lối đi thực ra là những khoảng trống của rừng, có rất nhiều phiến đá nhiều tầng ngổn ngang, phải khéo léo lách qua những cây cổ thụ cao sừng sừng và thảm thực vật dày đặc trong điều kiện ẩm ướt, trơn trượt, rất nhiều lúc phải đi ngay trong lòng suối có mực nước cao đến thắt lưng.
Hành trình khoảng 1km nhưng mất hơn một giờ đồng hồ để đến được “Vườn địa đàng”. Đây là một hệ sinh thái và cấu trúc địa hình vô cùng độc đáo và riêng có. Nhiều tầng của đá được kiến tạo thành các bậc thang tự nhiên, có rèm nhủ thường chỉ thấy trong lòng các hang động. Trên từng bậc thềm là khoảng nhỏ giữ nước mùa hè, buông tràn vào mùa nước lớn. Nhìn tổng thể như những chiếc rèm nước đang chảy tràn phủ qua vô số gốc thân cây mọc dựng đứng trên đá. Có lẽ từ cảnh tượng mê hoặc này mà những người ta đã đặt tên là “Vườn địa đàng?”.
Tiếp tục đến thác Mụ Mệ khoảng 500m, có rất nhiều dòng nước ngầm chảy phun ra từ núi đá cùng dòng suối chính để tạo nên dòng thác Mụ Mệ từ độ cao hàng chục mét. Đáng tiếc là thời tiết không bảo đảm an toàn cho việc đu dây xuống chân thác. Chúng tôi đứng trên đỉnh thác nhìn theo dòng nước đang ào ạt chảy tung bụi mù mịt nước. Theo các chuyên gia, để đến chân thác này có một phương án khác là xuất phát từ cầu Mụ Mệ trên con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để ngược lên, tuy nhiên, cung đường này mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Đó cũng là một trong những phương án khi đưa vào khai thác phục vụ du khách.
Sau khi đã có những bức hình ấn tượng về những điểm nổi bật trong hệ thống thác Mụ Mệ-Vườn địa đàng, chúng tôi trở về trong chiều muộn. Cơn mưa liên tục tạo nên nhiều dòng nước cuồn cuộn chảy, phủ tràn ngập bước chân. Có một điều thú vị là dù băng qua các cánh rừng đổ về suối vào mùa mưa lũ, nhưng nước luôn trong xanh đến ngạc nhiên. Theo con đường mòn trở về, phía sau vẫn là tiếng thác ầm ào và tiếng suối vọng u u huyền bí. Cả cánh rừng bạt ngàn tựa như chiếc nồi hấp khổng lồ bởi khói nước nghi ngút bốc hơi từ đá, từ tán cây rừng. Mây và sương khói hòa quyện tạo nên cảnh tượng huyền ảo siêu thực giúp chúng tôi không cảm thấy mỏi mệt sau một hành trình dài.
Du lịch mùa đông, du lịch trái mùa là một phương án được các cấp chính quyền và những người làm du lịch luôn trăn trở, nhằm khai thác những tiềm năng phong phú của tỉnh. Tạo nên những điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách trong nước quốc tế đến khám phá, trải nghiệm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đến vùng Tây-Nam Quảng Bình, nơi có rừng Động Châu, cầu Khỉ, khe Nước Trong, khe Nước Lạnh, thác Tam Lu, sông Long Đại, nguồn Cái, nguồn Con…và tour du lịch sinh thái Thác Lụa-Mụ Mệ-Vườn địa đàng. Du khách sẽ được chạm xuống dòng nước lạnh của suối, vượt ghềnh thác, hít thở bầu không khí trong lành, khám phá rừng nguyên sinh và đắm say với bản nhạc du dương của rừng.
Nguồn: Nguyên Sa – Baoquangbinh.vn
Không có bình luận