Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang trên hành trình hướng tới các tiêu chuẩn Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), qua đó, thể hiện thước đo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL VQG PN-KB) về lộ trình, kết quả bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và lợi ích khi VQG PN-KB đạt được danh hiệu này.
– Ông Phạm Hồng Thái: PN-KB là VQG duy nhất của Việt Nam được UNESCO hai lần ghi danh vào “Danh mục Di sản thế giới” (năm 2003 với tiêu chí về địa chất địa mạo, năm 2015 với tiêu chí về hệ sinh thái trên cạn và tiêu chí về đa dạng sinh học) và trở thành di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt 3/4 tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên thế giới.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu hiện có và những giá trị còn tiềm ẩn, VQG PN-KB sẽ tiếp tục đệ trình UNESCO xem xét ghi danh lần thứ 3 vào Danh mục Di sản thế giới về tiêu chí vii (tiêu chí thẩm mỹ); đồng thời sẽ đề xuất công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, phấn đấu đạt chứng nhận Danh lục Xanh IUCN và trở thành Khu du lịch quốc gia trước năm 2030.
Để nhìn nhận lại và khẳng định các thành công của mình trong hơn 20 năm qua, đồng thời nhằm bảo đảm việc vận hành VQG PN-KB tiệm cận theo các chuẩn mực quốc tế, năm 2022 BQL VQG PN-KB đã nộp đơn tham gia vào tiến trình Danh lục Xanh của IUCN. Đến nay, PN-KB đã hoàn thành xong “giai đoạn đề xuất” (giai đoạn 1 của tiến trình Danh lục Xanh) và đã bắt đầu tiến trình tự đánh giá “giai đoạn ứng viên” (giai đoạn 2 của tiến trình Danh lục Xanh).
Với sự nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của BQL VQG PN-KB, được sự hỗ trợ của dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC), cùng với sự giúp đỡ tích cực từ các chuyên gia của IUCN Việt Nam, năm 2024 sẽ thực hiện hoàn thành “giai đoạn Danh lục Xanh” (giai đoạn cuối cùng của tiến trình Danh lục Xanh) và đệ trình hồ sơ lên Ủy ban Danh lục Xanh IUCN. Dự kiến trong năm 2025, hồ sơ Danh lục Xanh của VQG PN-KB sẽ được phê chuẩn và cấp chứng chỉ bởi Ủy ban Danh lục Xanh IUCN.
– Ông Phạm Hồng Thái: Để bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, BQL VQG PN-KB đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, BQL VQG PN-KB đã tập trung chỉ đạo Hạt Kiểm lâm VQG ứng dụng thành công công nghệ Smart trong tuần tra rừng, công nghệ bẫy ảnh tự động trong giám sát đa dạng sinh học và đã tổ chức được 47.470 đợt tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học với hơn 74.800 ngày đêm trong rừng trên quãng đường tuần tra lên đến 268.500km.
Công tác kiểm tra, truy xuất lâm sản trên các tuyến đường đi qua lâm phận VQG được tăng cường. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn VQG đã được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật.
Công tác xây dựng quy chế, kế hoạch, chương trình, đề án, phương án quản lý bảo vệ rừng, quản lý di sản được hoàn thiện, điển hình là đã ban hành được quy chế quản lý di sản thiên nhiên thế giới, phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái và đề án chuyển đổi số VQG PN-KB.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và làm tốt công tác bảo vệ rừng tận gốc nên tài nguyên rừng VQG được bảo vệ và phục hồi rất tốt, độ che phủ rừng luôn ổn định và đạt trên 95%, các nguy cơ đe dọa đến tài nguyên rừng đã được đẩy lùi; tình trạng người dân xâm nhập vào rừng giảm mạnh, các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm sâu về số lượng, quy mô và tính chất qua hàng năm; đặc biệt là không để xảy ra điểm nóng về khai thác lâm sản và không có các vụ cháy rừng nghiêm trọng nào xảy ra.
Mặt khác, trong công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, BQL VQG PN-KB đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tổ chức tiếp nhận, chăm sóc trên 1.500 cá thể động vật hoang dã các loài, trong đó có 7 cá thể hổ Đông Dương và nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; tổ chức cứu hộ thành công và thả về môi trường tự nhiên gần 1.400 cá thể động vật; thực hiện nhân giống và trồng bảo tồn 91.000 cây giống thuộc 124 loài thực vật bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao…
Song song với việc tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, thực thi pháp luật, tuyên truyền vận động nhân dân, cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, BQL VQG PN-KB đã chú trọng và dành nhiều sự quan tâm đến công tác hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Đến nay, có 190 lượt thôn, bản vùng đệm nhận được hỗ trợ phát triển sinh kế từ các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, chương trình chi trả từ nguồn giảm phát thải khí nhà kính và các chương trình khác, qua đó đã có nhiều mô hình cải thiện sinh kế được xây dựng và phát huy hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và thu nhập chính đáng cho người dân vùng đệm, góp phần giảm thiểu các áp lực lên Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.
Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB luôn nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân; đặc biệt là sự ghi nhận và đánh giá cao của UNESCO tại các hội nghị thường niên của Ủy ban Di sản thế giới.
– Ông Phạm Hồng Thái: Danh lục Xanh là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công cho các khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Do vậy, lợi ích mang lại cho VQG PN-KB khi đạt được chứng nhận Danh lục Xanh là rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trước hết, danh hiệu Danh lục Xanh được quốc tế công nhận, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với VQG PN-KB trong việc thực hiện các cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học; Danh lục Xanh sẽ góp phần thúc đẩy, thu hút lượng khách du lịch đến với PN-KB, đóng góp cho nền kinh tế địa phương và bảo đảm hài hòa các hoạt động phát triển bền vững.
Mặt khác, khi đạt được chứng nhận Danh lục Xanh sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý hiệu quả của VQG PN-KB. Đem lại tiếng nói cho những người quan trọng trong bảo tồn, và gìn giữ các nỗ lực bảo tồn theo khu vực; đồng thời sử dụng bộ công cụ METT sẽ cung cấp một biện pháp quản lý hiệu quả đồng bộ hơn và mang tính quy mô toàn cầu, giúp BQL vườn có khả năng tiếp cận hiệu quả hơn các nguồn tài chính từ các tổ chức tài trợ, như: Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Quỹ biến đổi khí hậu toàn cầu (GCG).
Bên cạnh đó, việc tham gia Danh lục Xanh sẽ góp phần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi kiến thức và thu hút các nguồn tài trợ cho các chương trình, dự án bảo tồn tại VQG.
Theo các chuyên gia của IUCN, những tiêu chí của Danh lục Xanh không chỉ góp phần cải thiện hiệu quả công tác quản lý phát triển rừng ngày càng tốt hơn, theo quy chuẩn quốc tế mà còn giúp xử lý những mối xung đột của con người; đặc biệt là giữa cộng đồng bản địa với rừng. Điều này sẽ giúp người dân nâng cao đời sống bằng nhiều mô hình du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của VQG.
Nội dung: Đông A
Ảnh: Ngọc Hải – Xuân Hoàng
Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng
Nguồn: baoquangbinh.vn
Không có bình luận